Phái sinh hay chứng khoán phái sinh là một loại hình đầu tư rất mới trên thị trường tài chính Việt Nam.
Bạn có biết? Chứng khoán phái sinh chỉ chính thức đi vào hoạt động ở Việt Nam cách đây không lâu, chính xác là tháng 08 năm 2017. Rất mới có phải không?
Gần đây TnD Blog nhận được nhiều yêu cầu từ các độc giả, các nhà đầu tư mới và cả nhà đâu tư lâu năm. Họ muốn tìm hiểu về chứng khoán phái sinh, muốn có một bài viết đầy đủ và dễ hiểu về phái sinh.
Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về chứng khoán phái sinh thì bài viết này là dành riêng cho bạn…
#1 Chứng khoán phái sinh là gì?
Người ta thường nghĩ rằng đầu tư chứng khoán chỉ kiếm được tiền khi giá cổ phiếu tăng (thị trường đi lên) và sẽ lỗ nếu thị trường đi xuống (giá cổ phiếu giảm).
Tuy nhiên trên thực tế có những công cụ tài chính giúp bạn kiếm tiền cả khi thị trường chứng khoán đi xuống cũng như đi lên, thậm chí là kiếm rất nhiều tiền.
Một trong số những công cụ phải kể đến đó chính là chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như kim loại, nông sản, hoặc các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, lãi suất, chỉ số thị trường,…
Bản chất của phái sinh là không có giá trị nội tại mà nó chỉ là các chỉ số về giá cả, chỉ số thị trường,… Ví dụ: Kim loại vàng sẽ có giá trị nội tại (vì vàng có giá trị và bán lấy tiền được đúng không?) nhưng chỉ số giá vàng lên hay xuống thì không có giá trị (nội tại) nào cả.
Chứng khoán phái sinh là một hợp đồng tài chính quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Trong đó, giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai.
Hay bạn có thể hiểu nôm na là: Đầu tư phái sinh là bạn sẽ dự đoán sự tăng giá hoặc giảm giá của một loại tài sản hay một “cụm” tài sản trong tương lai và kiếm được tiền nếu dự đoán của bạn chính xác.
#2 Các sản phẩm phái sinh phổ biến
Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại:
- Hợp đồng kỳ hạn: Tiếng Anh là Forwards – Là các hợp đồng tài chính bắt buộc người mua của hợp đồng phải mua một tài sản với giá thỏa thuận trước vào một ngày cụ thể trong tương lai
- Hợp đồng tương lai: Tiếng Anh là Future – Tương tự với hợp đồng kỳ hạn về mặt bản chất nhưng hợp đồng tương lai là các hợp đồng tiêu chuẩn hóa và được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán
- Hợp đồng quyền chọn: Tiếng Anh là Option – Quyền chọn cung cấp cho người mua hợp đồng quyền (nhưng không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở ở một mức giá xác định trong tương lai
- Hợp đồng hoán đổi: Tiếng Anh là Swaps – Hoán đổi là hợp đồng phái sinh cho phép trao đổi dòng tiền giữa hai bên. Các loại hoán đổi phổ biến nhất là hoán đổi lãi suất, hoán đổi hàng hóa và hoán đổi tiền tệ
Vi dụ:
- Ví dụ về Hợp đồng kỳ hạn và Hợp đồng tương lai:
Thật tế 2 loại hình hợp đồng này được nông dân Việt Nam sử dụng rất nhiều. Ví dụ vào ngày 30/8/2021 anh A ký một hợp đồng kỳ hạn 3 tháng với chị B, mua 10 tấn gạo với mức giá ấn định 10,000 VNĐ/Kg.
Ngày đáo hạn sẽ là ngày 30/11/2021, lúc đó anh A sẽ phải mua 10 tấn gạo của chị B với giá 10,000 / Kg bất kệ giá thị trường là bao nhiêu.
Tương tự như vậy, hợp đồng tương lai được áp dụng để giao dịch các loại hàng hóa khác có giá trị hơn như vàng bạc, tiền điện tử, chứng khoán,… Tuy nhiên, các giao này sẽ được thực hiện trên sàn giao dịch vì hợp đồng tương lai sẽ được tiêu chuẩn hóa và niêm yết trên sàn.
- Ví dụ Hợp đồng quyền chọn:
Tương tự ví dụ trên nhưng nếu anh A và chị B ký hợp đồng quyền chọn thì đến ngày đáo hạn anh A có quyền mua hoặc không mua 10 tấn gạo trên.
Nhưng nếu anh A muốn mua thì chị B phải bán cho anh A với mức giá như trong hợp đồng, bất kể giá thị trường tại thời điểm đáo hạn là bao nhiêu.
Dĩ nhiên để có được hợp đồng “thơm” như vậy thì anh A phải trả một khoảng phí gọi là phí Premium cho chị B.
- Ví dụ Hợp đồng hoán đổi:
Ví vụ về một hợp đồng hoán đổi lãi suất nhé. Anh A có 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm Ngân hàng với lãi suất 8% một năm. Chị B có 1 tỷ đồng nhưng đầu tư vào cổ phiếu với lãi suất biến động (có năm hơn 10% nhưng cũng có năm bị lỗ 2-3%).
Anh A và chị B ký một hợp đồng hoán đổi với nhau trong 5 năm, theo đó chị B sẽ nhận lãi suất tiền gửi cố định của anh A (80 triệu / năm), còn anh A sẽ hưởng lợi nhuận hoặc chịu lỗ từ khoản đầu tư cổ phiếu của chị B trong vòng 5 năm.
Với hợp đồng này, chị B vẫn giữ được khoản đầu tư của mình nhưng lại có thu nhập ổn định hàng năm và ông A có cơ hội hưởng lợi tức từ khoản đầu tư của chị B mà không phải là chủ sở hữu của khoản đầu tư này.
Đây chỉ là ví dụ để bạn dễ hình dung về hợp đồng hoán đổi. Trên thực tế hợp đồng hớp đổi thường được thực hiện giữa các công ty hơn, đặc biết là giữa công ty nước này với một công ty nước khác, sản phẩm hoán đổi giữa họ thường là lãi suất và tiền tệ.
#3 Thực trạng thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam
Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 sản phẩm chứng khoán phái sinh chính thức hoạt động được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam là: Hợp đồng tương lai – Future.
Trong đó 2 loại tài khoản cơ sở là chỉ số VN30 và trái phiếu chính phủ. Hay còn gọi là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Nghĩa là, khi tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh tại Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ phân tích và dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của chỉ số VN30 hoặc giá trị của trái phiếu chính phủ trong tương lai.
Nếu phân tích và dự đoán chính xác xu hướng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận và ngược lại.
P/s: Từ phần này trở đi trong bài viết này, các kiến thức phái sinh chỉ liên quan đến loại sản phẩm hợp đồng tương lai này thôi nhé!
#4 Chứng khoán phái sinh kiếm tiền như thế nào
Để kiếm tiền từ phái sinh (hợp đồng tương lai) nhà đầu tư sẽ phải phân tích và dự đoán xu hướng tăng (long) và giảm (short) của chỉ số VN30 hoặc giá trị của trái phiếu chính phủ.
Nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch để mở vị thế long hoặc short.
- Nếu dự đoán đúng xu hướng nhà đầu tư tiến hành đóng vị thế và có lãi
- Ngược lại, nếu dự đoán sai xu hướng nhà đầu tư đóng vị thế và chấp nhận lỗ
#5 Một số thuật ngữ thường dùng trong chứng khoán phái sinh
Nếu muốn tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh hay cụ thể là hợp đồng tương lai, bạn nên làm quen với một số thuật ngữ sau đây:
- Ký quỹ: Khoản tiền hoặc chứng khoán mà nhà đầy tư gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Viêt Nam (VSD) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Có thể hiểu ký quỹ là “tiền cọc” đảm bảo khả năng chi trả của bạn trong trường hợp thua lỗ (dự đoán sai xu hướng hợp đồng tương lai)
- Vị thế long: Khi nhà đầu tư dự đoán giá lên và mua hợp đồng tương lai
- Vị thế short: Khi nhà đầu tư dự đoán giá xuống và bán hợp đồng tương lai
- Mở vị thế: Khi nhà đầu tư mua hoặc bán hợp đồng tương lai
- Đóng vị thế: Nhà đầu tư đặt lệnh đối ứng với vị thế đang sở hữu. Nghĩa là lúc mở vị thế bạn mua thì khi đóng vị thế bạn phải đặt lệnh bán và ngược lại
- Giao dịch T0: Cho phép nhà đầu tư mở, đóng vị thế ngay trong ngày giao dịch, đối với cổ phiếu cơ sở sau khi mua bạn phải chờ đến ngày T+2 mới có thể giao dịch được
- Thuật ngữ khác…
>> Xem thêm: Thuật ngữ tài chính kinh tế và đầu tư của TnD Blog
#6 Ví dụ chứng khoán phái sinh
Dưới đây là một mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN30 dành cho bạn tham khảo, bạn sẽ hình dung được một hợp đồng tương lai trông như thế nào:
- Tên hợp đồng: Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30
- Mã hợp đồng: VN30F2203
- Tài sản cơ sở: Chỉ số chứng khoán VN30
- Ngày niêm yết: Ngày ra mắt hợp đồng
- Hệ số nhân: 100,000 đồng, nghĩa là lấy số điểm VN30 x 100,000
- Quy mô hợp đồng: 100,000 x điểm chỉ số tương lai của VN30. Ví dụ chỉ số VN30 là 1200 thì giá trị hợp đồng sẽ bằng 1,200 x 1000 = 1,200,000,000 VNĐ
- Tháng đáo hạn: Gồm 4 tháng: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, tháng cuối quý liền kề, tháng cuối quý kế tiếp
- Ngày giao dịch cuối cùng: Ngày thứ năm thứ ba trong tháng đáo hạn, trường hợp trùng ngày nghỉ sẽ được điều chỉnh lên ngày giao dịch liền trước đó
- Ngày thanh toán cuối cùng: Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng
- Biên độ dao động: +/- 7%. Nghĩa là giá trần và giá sàn trong phiên giao dịch sẽ giới hạn trong biên độ +-7% (giống như bên độ cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE)
- Giá tham chiếu: Giá cuối ngày của ngày giao dịch liền trước
- Mức ký quỹ: Theo quy định của sở lưu ký chứng khoán VSD
- Đơn vị giao dịch: 01 Hợp đồng
- Giới hạn lệnh: 500 hợp đồng/lệnh
- Giới hạn vị thế: Nhà đầu tư cá nhân 5,000 hợp đồng, nhà đầu tư tổ chức 10,000 hợp đồng, nhà đầu tư chuyên nghiệp 20,000 hợp đồng
- Bước giá: 0.1 điểm tương đương với 10,000 đồng. Nghĩa là giá trị hợp đồng tương lai sẽ chia hết cho 10,000 đồng, bạn sẽ không thấy một hợp đồng tương lai có giá trị
1,200,015,000đâu nhé - Thời gian giao dịch: 8:45 – 14: 45
- Phương thức giao dịch: Khớp lệnh và thỏa thuận
- Phương thức thanh toán: Thanh toán bằng tiền
#7 So sánh chứng khoán phái sinh vs chứng khoán cơ sở
Bảng so sánh một số yếu tố cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết và phân biệt 2 loại hình chứng khoán phái sinh vs chứng khoán cơ sở (những cổ phiếu thông thường, mặc định khi bạn mua trên sàn giao dịch).
Đặc điểm | Chứng khoán cơ sở | Chứng khoán phái sinh |
Thời hạn sở hữu | Không giới hạn | Có ngày đáo hạn |
Đơn vị | Cổ phiếu | Hợp đồng |
Cổ tức | Có | Không |
Khối lượng (số lượng) | Giới hạn | Không giới hạn |
Bán khống | Không được phép | Được phép bán khống |
Nước ngoài mua | Giới hạn | Không giới hạn |
Khả năng sinh lời | Khi tăng điểm | Cả khi tăng và giảm điểm |
#8 Ưu điểm và nhược điểm của chứng khoán phái sinh
Ưu điểm:
- Công cụ phòng ngừa rủi ro: Nếu đầu tư với số tiền lớn trên chứng khoán cơ sở (cổ phiếu). Nhà đầu tư sẽ “mua bảo hiểm” bằng cách đầu tư phái sinh phe short (xu hướng thị trường giảm điểm) nhằm giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư
- Đầu tư linh hoạt: Nếu như với chứng khoán cơ sở bình thường bạn chỉ kiếm được tiền khi thị trường tăng điếm và lỗ khi thị trường đi xuống. Nhưng với chứng khoán phái sinh bạn sẽ có được lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm điểm
- Lợi nhuận cao: Khi thị trường tương lai biến động theo chiều hướng có lợi, số lãi nhận được có thể lớn hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu. Nói cách khác, chứng khoán phái sinh có tính đòn bẩy rất cao
Nhược điểm:
- Rủi ro cao: Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao, đây là quy luật chung cho hầu hết các loại hình đầu tư. Khi hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư sẽ chịu khoản thiệt hại lớn
- Phức tạp và khó hiểu: Chứng khoán phái sinh tương đối mới ở thị trường Việt Nam và có phương thức hoạt động phức tạp đôi khi gây ra sự khó hiểu đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá mới có ít kinh nghiệm
- Mang tính đầu cơ và sát phạt cao: Nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng tâm lý và hành vi khi bị thua lỗ nặng trong một thời gian ngắn. Áp lực “gỡ lại” khiến họ khó kiểm soát cảm xúc bản thân và có thể đưa ra các quyết định không sáng suốt
#9 Chi phí và thuế khi đầu tư chứng khoán phái sinh
Để đầ tư chứng khoán phái sinh, bạn phải trả một số loại phí cho công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, Ngân hàng và sở lưu ký chứng khoán. Cụ thể như sau:
Hạng mục thu phí | Số tiền | Bên thu |
Phí giao dịch | 1,000 – 3,000 VNĐ / một hợp đồng | Công ty chứng khoán |
Phí giao dịch | 2,700 / một hợp đồng tương lai VN30 4,500 / một hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ | Sở giao dịch chứng khoán |
Phí quản lý vị thế | 2.550 / HĐTL / ngày | TTLKCK – VDS |
Phí quản lý tài sản ký quỹ | 0,0024% giá trị lũy kế số dư tài khoản ký quỹ / tháng | TTLKCK – VDS |
Phí nộp / rút ký quỹ | 5,500 / giao dịch | Ngân hàng |
Phí chuyển tiền | Tùy Ngân hàng | Ngân hàng |
Thuế thu nhập cá nhân | 0.1% giá trị chuyển nhượng | Sở thuế |
- Phí giao dịch sẽ tùy thuộc vào mỗi Công ty chứng khoán
- Phí nộp / rút ký quỹ và thuế thu nhập cá nhân sẽ do Công ty chứng khoán thu hộ Ngân hàng và Sở thuế
#10 Đầu tư chứng khoán phái sinh có cần mở tài khoản chứng khoán phái sinh không?
Câu trả lời là “Có”
Sau đây là lộ trình các bước cơ bản để tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh. Bạn sẽ hình dung được lưu trình đầu tư chứng khoán phái sinh diễn ra như thế nào?
Bước 1: Mở tài khoản chứng khoán phái sinh tại công ty chứng khoán bạn lựa chọn. Mở tại công ty chứng khoán bạn đang sử dụng để đầu tư chứng khoán cơ sở là tốt nhất vì một số công ty yêu cầu khách hàng phải có tài khoản chứng khoán cơ sở mới có thể mở tài khoản chứng khoán phái sinh.
Bước 2: Nộp tiền vào tài khoản chứng khoán phái sinh. Tại đây bạn sẽ thực hiện thêm một bước chuyển tiền lên VSD để thực hiện lưu ký.
Bước 3: Đặt lệnh giao dịch mua hoặc bán hợp đồng tương lai.
Bước 4: Theo dõi lãi / lỗ hàng ngày, bổ sung ký quỹ (nếu có).
Bước 5: Đóng vị thế để chốt lãi / cắt lỗ hoặc nắm giữ đến khi hợp đồng đáo hạn.
#11 Nhiều người cho rằng chứng khoán phái sinh là trò chơi cờ bạc?
Một chút chia sẻ ý kiến riêng của TnD Blog:
Nếu bạn đang suy nghĩ chứng khoán phái sinh cũng tương tự như một hình thức cờ bạc thì đôi khi nó cũng có ý nghĩa tương tự như vậy.
Đặc biệt đối với việc dùng công cụ phái sinh nhằm mục đích đầu cơ.
Trong phái sinh tiền sẽ chạy từ túi phe long qua phe short và ngược lại. Công ty chứng khoán và các tổ chức khác sẽ đứng giữa và thu các loại chi phí. (Điều này giống 2 phe là ‘con bạc’ trong khi tổ chức giống như ‘nhà cái’)
Ngay cả Wikipedia cũng đã đề cập rằng phái sinh như một cuộc “đặt cược” tài chính đối với dân đầu cơ.
Nhưng bản chất của phái sinh vốn dĩ là dành cho các nhà đầu tư (đặc biệt là quỹ đầu tư) dùng làm bảo hiểm cho chứng khoán cơ sở.
Nghĩa là họ sẽ đầu các cổ phiếu cơ sở. Sau đó mở vị thế bán (short), nghĩa là họ sẽ mua các hợp đồng tương lai theo hướng giảm điểm.
Khi thị trường đi xuống -> chứng khoán cơ sở bị lỗ. Nhưng hợp đồng tương lai của họ có thể đóng vị thế để chốt lời -> bù lỗ cho chứng khoán cơ sở.
Bạn sẽ nghĩ rằng nếu chứng khoán cơ sở lên giá -> kéo theo hợp đồng tương lai đi lên và gây ra lỗ. Và cuối cùng đầu tư kiểu như vậy thì chỉ từ huề vốn hoặc lời rất ít thì thật sự tốn thời gian..
Nhưng thật tế có thể khác, vì các quỹ đầu tư họ đầu tư với số tiền rất lớn và họ có mức lợi nhuận mục tiêu cũng như mức độ chấp nhận rủi ro rất rõ ràng. Họ cũng có đội ngũ quản lý quỹ đủ sức để phân tích thị trường và lựa chọn thời điểm bán thích hợp nhất cho cả chứng khoán cơ sở và phái sinh.
Đôi lúc, các nhà quản lý quỹ hay đến nổi. Họ bán chứng khoán cơ sở để chốt lời từ cổ phiếu, một thời gian sau (trước khi hợp đồng tương lai đáo hạn) chứng khoán phái sinh bỗng nhưng giảm điểm và họ đóng vị thế (short) để sinh lời. Nghĩa là họ “ăn” cả hai đầu.
Một giả thuyết khác: Một cá nhân hay quỹ đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu bắt đầu bán tháo cổ phiếu cơ sở (quy luật tự nhiên là khi bán nhiều thì nhiều khả nằng giá cổ phiếu sẽ giảm điểm) dẫn đến vị thế bán của họ cũng có khả năng sinh lời. Đây là một thuyết thao túng thị trường cũng rất có thể sẻ xảy ra mà chúng ta không thể biết được.
Bài học rút ra là: Nếu bạn là nhà đâu nhỏ lẻ bạn nên tìm hiểu thật kỹ về thị trường trước khi đưa ra các quyết định đầu tư dù là phái sinh hay cơ sở. Và chỉ nên bắt đầu nhỏ để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Tổng kết
Bạn vừa trải qua một bài viết rất dài (3879 từ) mang đến cho bạn kiến thức tổng quan về chứng khoán phái sinh.
Hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng thể về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
Kiến thức chứng khoán nói chung hay chứng khoán phái sinh nói riêng là rất rộng lớn, bạn cần phải học tập, trau dồi liên tục đi đôi với thực hành trải nghiệm với số vốn nhỏ để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thì mới có thể trờ thành nhà đâu tư chuyên nghiệp và thành công được.
Bạn có thể tham khảo các bài viết chủ đề chứng khoán của TnD Blog tại đây để trau dồi thêm kiến thức.
Nếu bạn chưa có tài khoán chứng khoán để “thực chiến” bạn có thể tham khảo cách mở tài khoản chứng khoán tại đây.
Bonus: Chứng khoán phái sinh tiếng anh là gì?
P/s: Cuối mỗi bài viết, TnD Blog sẽ chia sẻ thêm những từ ngữ chuyên ngành liên quan tới bài viết bằng tiếng Anh, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. (Hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên phần lớn phải học hỏi từ nước ngoài, mượn dùng rất nhiều thuật ngữ bằng tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu dịch sang tiếng Việt thì rất dễ lệch lạc ý nghĩa của nó)
Chứng khoán phái sinh tiếng Anh là: Derivative Securities
Nếu bạn thích và thấy bài viết này hữu ích, hãy giúp chúng tôi chia sẻ nó đến những người khác vì thị trường chứng khoán phái sinh vẫn còn khá mới đối với cộng đồng nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào thì đừng ngần ngại để lại một bình luận ngay bên dưới bài viết này nhé!
Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt
Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!
>>Câu hỏi thường gặp:
Chứng khoán phái sinh là gì?
Bạn cỏ thể hiểu nôm na là: Chứng khoán phái sinh là bạn sẽ dự đoán sự tăng giá hoặc giảm giá của một loại tài sản hay một “cụm” tài sản trong tương lai và kiếm được tiền nếu dự đoán của bạn chính xác.
Ai có thể tham gia chứng khoán phái sinh?
Được, tổ chức, cá nhân đều được đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường.
Có nên đầu tư chứng khoán phái sinh không?
Công cụ phái sinh giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, phái sinh không dành cho các nhà đâu tư ít kinh nghiệm vì rủi ro của nó là rất lớn.