Bạn có biết? “Dự toán chi tiêu là bước đầu tiên trong việc đạt mục tiêu tài chính của bạn”
Trước khi bắt đầu bài viết này. Bạn hãy dành ra vài phút để suy ngẫm hoặc dùng giấy bút liệt kê ra các khoản chi tiêu của bạn trong vòng một tháng. Sau đó, hãy thử trả lời câu hỏi rằng “chi tiêu của bạn đã hợp lý hay chưa?”
Liệu bạn có đang quản lý tốt thu nhập của bạn? Những chi tiêu của bạn đã có tính toán, có kế hoạch, hay bạn chi tiêu theo cảm xúc, theo nhu cầu? Bạn có thuộc những trường hợp “làm hoài mà không có dư” nghĩa là (chưa tới ngày nhận lương đã hết tiền, thậm chí phải đi vay mượn)
Bạn đang tìm hiểu về dự toán chi tiêu cá nhân, bạn muốn học cách thiết lập dự toán chi tiêu đơn giản và hiệu quả?
Nếu đúng như thế thì… Bài viết này là dành riêng cho bạn. Bạn sẽ học được cách lập dự toán chi tiêu theo tháng hiệu quả nhất. Bạn sẽ chi tiêu thông minh hơn, tiết kiệm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn và tiến gần hơn mục tiêu tự do tài chính của bạn.
Dự toán chi tiêu là gì?
Dự toán chi tiêu hay dự toán chi tiêu cá nhân là một bảng kế hoạch, danh sách chi tiêu do chính bạn đặt ra. Thông qua bảng dự toán, bạn có thể quan sát được dòng tiền được chi tiêu như thế nào. Giúp bạn dễ dàng kiểm soát, điều chỉnh chi tiêu sao cho hợp lý và tiết kiệm nhiều hơn.
Dự toán giúp bạn giới hạn các khoản chi tiêu cũng như không tiêu xài vượt quá số tiền bạn kiếm được dẫn đến thiếu hụt hay nợ nần.
Dự toán chi tiêu thường được lập theo tháng vì phần lớn chúng ta có thu nhập theo tháng, cũng như các khoản chi phí khác như nhà ở, điện, nước,… cũng được tính theo chu kỳ một tháng.
Tầm quan trọng của dự toán chi tiêu
Dự toán chi tiêu là bước đầu tiên trong việc đạt mục tiêu tài chính của bạn. Thiết lập dự toán chi tiêu, bạn sẽ có những lợi ích sau đây:
- Giúp bạn xác định tiền của bạn được “tiêu xài” như thế nào và tìm ra những khoản có thể cắt giảm chi tiêu
- Phát họa bức tranh tổng thể về năng lực tài chính hiện tại của bạn, giúp bạn sống “khỏe” trong giới hạn tài chính, thu nhập của bạn
- Bạn sẽ biết tiền của bạn “đi về đâu” giúp bạn trả lời câu hỏi “tại sao tháng này tiền hết nhanh vậy? “mình đã được xài gì đâu?”
- Giúp bạn thay đổi thói quen chi tiêu, từ bỏ các thói quen chi tiêu “xấu” (phung phí, không cần thiết) giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn và đạt mục tiêu tài chính sớm hơn
“Ở cấp độ công ty, tổ chức, bộ phận kế toán sẽ lập dự toán cho từng hạng mục trong tháng, quý, năm. Ví dụ như dự toán cho đầu tư trang thiết bị, dự toán tiếp khách, dự toán marketing, dự toán công tác,… Dự toán giúp các công ty kiểm soát được dòng tiền và từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả”
Cách lập dự toán chi tiêu
Thiết lập dự toán chi tiêu thật sự không khó. Hãy bắt đầu nó với việc liệt kê ra những danh sách mà bạn phải chi tiêu, ví dụ như: chi phí nhà ở, ăn uống, mua sắm, đi lại,…
Sau đây là 5 bước thiết lập dự toán chi tiêu tháng cho người mới bắt đầu:
Bước 1: Xác định tổng thu nhập hàng tháng của bạn. Bao gồm tiền lương và các nguồn thu nhập khác (nếu có), ví dụ như tiền làm thêm những công việc khác ngoài công việc chính, tiền thu nhập từ các nguồn đầu tư khác, hoặc tiền lãi suất gửi tiết kiệm Ngân hàng,…
Bước 2: Lập danh sách các khoản chi phí cần chi tiêu hàng tháng. Các khoản phí này bao gồm: Tiền ăn uống, hóa đơn điện nước, chi phí di chuyển, mua sắm, ăn ngoài, tiệc tùng,…
Mẹo: Hãy tham khảo chi tiêu của ít nhất 2 tháng trước đó để tính toán các chi phí trên.
Bước 3: Chia thu nhập của bạn cho từng khoản chi tiêu
Mẹo: Áp dụng nguyên tắc 5/3/2. Nghĩa là chia tổng thu nhập của bạn ra thành 5 phần, 3 phần và 2 phần. Trong đó, 5 phần dành cho các nhu cầu thiết yếu, 3 phần dành cho các nhu cầu không thiết yếu khác (có thể linh hoạt) và 2 phần còn lại dành cho các nhu cầu tài chính khác.
Ví dụ: Thu nhập mỗi tháng của bạn là 10 triệu. Khi đó, bạn sẽ chia dự toán như sau:
- 5 triệu: Dành cho các nhu cầu thiết yếu bao gồm chi phí ăn uống, sinh hoạt, nhà ở, điện nước, xăng xe,…
- 3 triệu: Dành cho các khoản khác như: Mua sắm, đi chơi, ăn uống cùng bạn bè đồng nghiệp, du lịch,…
- 2 triệu còn lại: Để dành tiết kiệm, dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp, thất nghiệp, đầu tư sinh lời,…
Lưu ý: Tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của mỗi cá nhân mà dự toán chi tiêu cũng sẽ khác nhau với tường người. Ví dụ như một số bạn có thu nhập cao nhưng chi phí sinh hoạt thấp thì nên linh hoạt trong khi lập dự toán. Nghĩa là nếu tiền trong phần 5 và phần 3 còn dư, thì nên dùng chúng cho các nhu cầu tài chính, ví dụ như tiết kiệm, đầu tư,…
Bước 4: Quan sát và điều chỉnh. Tìm ra những khoản chi tiêu chưa hợp lý, không thiết yếu và cắt giảm nó. Hãy đảm bảo rằng bạn không tiêu xài vượt quá số tiền bạn kiếm được.
Bước 5: Xem lại dự toán của bạn 3-6 tháng 1 lần để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng. Hãy linh hoạt và thay đổi khi cần thiết. Ví dụ khi bạn thăng tiến trong công việc, bạn có công việc mới, thay đổi nơi sinh sống, lập gia đình hay có con,.. thì chắc chắn rằng dự toán cũ sẽ không còn phù hợp nữa.
Danh mục thường có trong dự toán
Dưới đây là danh sách các hạng mục phổ biến:
- Nhà ở
- Ăn uống, sinh hoạt thiết yếu
- Hóa đơn diện nước, internet, tiền điện thoại
- Xăng xe, đi lại
- Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp,…
- Trả nợ tín dụng (trả góp) nếu có
- Giải trí: mua sắm, ăn uống bên ngoài, cafe, trà sữa, xem phim,…
- Tiết kiệm, đầu tư tài chính
- Đám tiệc, sinh nhật và các khoảng chi phí khác…
Lời kết:
Như vậy bạn đã biết được ý nghĩa của dự toán và cách lập dự toán chi tiêu cá nhân theo tháng.
Lập kế hoạch chi tiêu trong tháng là một việc không quá khó mà ai cũng nên làm. Dự toán chi tiêu cũng là bước đầu tiên trong việc đạt mục tiêu tài chính của bạn.
Dự toán giúp bạn kiểm soát tốt dòng tiền, đảm bảo bạn không chi tiêu quá mức so với thu nhập của bạn.
Sắp tới, khi chuẩn bị lập dự toán chi tiêu cá nhân cho bạn hay tư vấn cách lập dự toán cho bạn bè, người thân. Hãy áp dụng 5 bước cơ bản và nguyên tắc 5/3/2 ở phía trên. Tuy nhiên, hãy thật linh hoạt trong lúc lập dự toán chi tiêu, vì tùy vào thu nhập, nơi ở, mức sống và sở thích của từng người mà bảng dự toán cũng sẽ khác nhau.
Ví dụ: bạn sinh sống ở vùng nông thôn nhưng thu nhập của bạn là 30 triệu/ tháng, lúc đó bạn không cần phải dùng hết 5 phần (15 triệu) thu nhập của bạn để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu, thay vào đó bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn và đạt mục tiêu tự do tài chính sớm hơn.
Bonus: Dự toán chi tiêu tiếng Anh là gì?
P/s: Cuối mỗi bài viết, TnD Blog sẽ chia sẻ thêm những từ ngữ chuyên ngành liên quan tới bài viết bằng tiếng Anh, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. (Hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên phần lớn phải học hỏi từ nước ngoài, mượn dùng rất nhiều thuật ngữ bằng tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu dịch sang tiếng Việt thì rất dễ lệch lạc ý nghĩa của nó)
Dự toán chi tiêu tiếng Anh là: Budget và Budgeting
Bạn đã lập dự toán chi tiêu cho bản thân mình chưa? Hãy chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!
Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt
Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!
Câu hỏi thường gặp:
Tôi nên lập ngân sách dự toán bao nhiêu cho các chi phí cá nhân?
Về mặt lý thuyết, bạn nên dành 50% thu nhập của mình để trang trải cho các chi phí thiết yếu trong sinh hoạt như ăn uống, nhà cửa, đi lại,… 30% cho các nhu cầu khác và 20% cho các nhu cầu đầu tư tài chính.
Tại sao dự toán chi tiêu lại quan trọng?
Dự toán là điều cần thiết để theo dõi chi phí và thu nhập, xác định các mô hình chi tiêu, tiết kiệm và tránh nợ. Dự toán là một kế hoạch tài chính hoặc kế hoạch chi tiết để quản lý tiền của bạn; nếu không có nó, bạn có thể dễ dàng chi tiêu quá mức hoặc nợ nần chồng chất.