Với quy mô khoảng 22 nghìn tỷ USD, Mỹ được xem là nước có GDP cao nhất thế giới, xếp sau đó là Trung Quốc, Nhật Bản,…
Vậy GPD là gì? mà lại được nhắc đến nhiều như thế? Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua cụm từ GDP trên các báo đài, tin tức, thời sự,…
Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu được GDP là gì? cũng như các kiến thức liên quan khác về GDP – để xem GDP ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế nói chung và các nhà đầu tư cá nhân (như bạn) nói riêng.
GDP là gì?
GDP là viết tắt của cụm từ Gross Domestic Product, dịch là tổng sản phẩm quốc nội. GDP dùng làm chỉ số đo lường quy mô của một nền kinh tế.
Về bản chất, GDP là một con số (đơn vị chủ yếu là USD) đại diện cho tất cả hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia, vùng lãnh thổ tạo ra trong một năm nhất định (hoặc theo quý, theo tháng).
Tầm quan trọng của GDP
Theo dõi GDP của một quốc gia cho chúng ta biết 2 điều:
- Quy mô tổng thể của nền kinh tế nước đó
- Tỷ lệ – tốc độ tăng trưởng hoặc suy giảm của nền kinh tế nước đó
Các nhà kinh tế, nhà đầu tư, Chính phủ,… sẽ theo dõi GDP một cách chặt chẽ vì nó được coi là thước đo tốt nhất và phản ánh chính xác nhất về hoạt động của một nền kinh tế.
Nếu như GDP tăng trường đều đặn là ổn định điều đó có nghĩa là nền kinh tế nước đó đang phát triển, khi đó người lao động dễ tìm việc làm hơn, thu nhập cao hơn, các công ty đang làm ăn phát triển -> giá cổ phiếu có thể sẽ tăng.
Ở chiều ngược lại, nếu GDP giảm, nhiều khả năng đó là một nền kinh tế đang suy thoái, khi đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, các công ty đang thua lỗ. Nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, bất động sản, hay bất cứ kênh đầu tư nào khác, và cuối cùng là ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư.
Như đã nói ở trên, Chính phủ thường theo dõi chặt chẽ GDP để khi có bất kỳ dấu hiệu suy thoái nào xảy ra họ sẽ thực hiện các biện pháp để cố gắng tránh hoặc làm dịu suy thoái. Nếu không kiểm soát được, suy thoái có thể trở thành đại suy thoái và hậu quả của nó có thể là thất nghiệp, nạn đói, siêu lạm phát,… Một cuộc khủng hoạn trầm trọng.
Cách tính GDP như thế nào?
Công thức tính GDP tương đối đơn giản, hiểu nôm na là GDP sẽ = Tiêu Dùng + Đầu Tư + Chi tiêu Chính phủ + Xuất khẩu ròng (xuất khẩu – nhập khẩu).
- Tiêu dùng: Mọi thứ hàng hóa (Ô tô, điện thoại, tạp hóa,…) và dịch vụ (Internet, truyền hình,…) mà bạn (và những người dùng khác) mua đều được cộng vào GDP
- Đầu tư: Bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị, xây dựng nhà máy. Hay doanh nghiệp bất động sản đầu tư xây dựng một khu chung cư, trung tâm thương mại,…
- Chi tiêu của Chính phủ: Danh mục này bao gồm mọi thứ, từ chi tiêu của Chính phủ Trung Ương cho đến địa phương, chi cho quốc phòng, đường sá, giáo dục, y tế,…
- Xuất khẩu ròng: Nghĩa là Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu. Nếu quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài hơn so với nhập khẩu, thì phần dư này sẽ được cộng vào GDP. Nếu quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu (được gọi là thâm hụt thương mại), thì phần chênh lệch được trừ vào GDP
Tuy nhiên, bạn sẽ không cần tính GDP làm gì cả, vì các chỉ số này luôn được tính sẵn và công khai bởi các tổ chức kinh tế – Chính phủ. Hơn nữa, bạn cũng sẽ không có đầy đủ dữ liệu các chỉ số Tiêu Dùng + Đầu Tư + Chi tiêu Chính phủ + Xuất khẩu ròng (xuất khẩu – nhập khẩu) đâu.
- Đọc thêm: Kiến thức về bảo hiểm giúp bảo vệ sức khỏe tài chính cá nhân của bạn
GDP các nước trên thế giới
Top 10 quốc gia có GDP đứng đầu (2020)
- Mỹ
- Trung Quốc
- Nhật
- Đức
- Ấn Độ
- Anh
- Pháp
- Ý
- Brazil
- Canada
Lưu ý: Vị trí có thể thay đổi theo thời gian và tùy theo tổ chức xếp hạng. Có 3 tổ chức chính xếp hạng GDP các quốc gia gồm: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc. GDP Việt Nam những năm gần đây dao động khoảng top 40 (40 – 49) thế giới tùy thời điểm và tổ chức xếp hạng.
Áp dụng GDP
GDP có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, cụ thể:
- GDP giúp các Chính phủ cân nhắc khi thiết lập các chính sách tài chính và mức chi tiêu
- Các Công ty có thể sử dụng nó để quyết định xem có nên đầu tư, thành lập cửa hàng ở một quốc gia hoặc khu vực nhất định hay không
- Các nhà đầu tư sử dụng nó để quyết định nơi đầu tư tiền của họ
- Các nhà kinh tế học sử dụng nó để đo lường năng suất và sự thịnh vượng, theo dõi tốc độ phát triển (hoặc suy giảm) của một nền kinh tế và so sánh các nền kinh tế với nhau
Một vài lưu ý về GDP
GDP chỉ đánh giá những giao dịch “chính thống”. Điều này có nghĩa là những giao dịch trái phép như buôn lậu, mại dâm, ma túy, cờ bạc,… vẫn chưa được tính.
GDP tại một thời điểm cụ thể không phải lúc nào cũng “vẽ hết” bức tranh toàn cảnh về sức mạnh của một nền kinh tế. Thay vào đó, các nhà kinh tế nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP (sự khác biệt giữa GDP hàng năm hoặc hàng quý) theo thời gian để đánh giá một nền kinh tế đã hoạt động như thế nào và dự đoán những gì nó có thể làm được trong tương lai.
GDP tăng trưởng có đơn vị là (%) sẽ được tính theo công thức: (GDP kỳ này – GDP kỳ trước) / (GDP kỳ trước).
Nếu tỷ lệ tăng trưởng dương (cho thấy sự tăng trưởng), nếu là con số âm (sẽ cho thấy sự suy thoái). Nhiều lần tăng trưởng âm liên tiếp có thể dẫn đến một nền kinh tế suy thoái trầm trọng trong vài năm tiếp theo trước khi nó có thể phục hồi trở lại.
- Xem thêm: Công nghệ tài chính – Fintech
Tổng kết
GDP là chỉ số đo lường quy mô của một nền kinh tế.
Các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ GDP để biết các tín hiệu về nền kinh tế đang hoạt động như thế nào và từ đó đưa ra quyết định đầu tư.
GDP bao gồm hàng hóa và dịch vụ mà các cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ chi tiêu, nó không bào gồm các giao dịch trên thị trường “chợ đen”, buôn lậu, hối lộ, tham nhũng,…
GDP có nhiều mục đích sử dụng, chẳng hạn như giúp Chính phủ quyết định số tiền họ nên chi hoặc nhà đầu tư xác định những nơi tốt nhất để đầu tư.
Thay vì nhìn vào một con số GDP cụ thể tại một thời điểm, các nhà đầu tư và những nhà kinh tế học thường theo dõi tốc độ tăng trưởng GDP từ năm này sang năm khác, quý này sang quý khác. Điều này cho thấy một nền kinh tế đang hoạt động như thế nào theo thời gian.
Ok, bạn nghĩ sao về về GDP và các ứng dụng của nó? Bạn có tham khảo GDP trước khi đưa ra quyết định đầu tư? Hãy để lại chia sẽ và kinh nghiệm của bạn tại mục bình luận bên dưới bài viết này.
Nếu thấy bài viết này hay và có ích, đừng quên giúp chúng tôi chia sẻ nó nhé!
Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt
Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!