Quỹ dự phòng tài chính cá nhân hay quỹ dự phòng khẩn cấp rất quan trọng đối với mỗi cá nhân và gia đình. Thế nhưng nhiều người thường bỏ qua hoặc không biết đến nó (có thể do hạn chế về mặt kiến thức hay kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hoặc do một nguyên nhân nào đó…).
Bài viết này sẽ giúp bạn biết được quỹ dự phòng tài chính cá nhân là gì? Vì sao nó lại quan trọng? Cách lập nó như thế nào? Và nên dùng nó ra sao?…
Quỹ dự phòng tài chính cá nhân là gì?
Quỹ dự phòng tài chính cá nhân hay còn gọi là quỹ dự phòng khẩn cấp. Ứng với nghĩa đen của nó, quỹ này là một khoản tiền “tươi” (luôn sẵn sàng) để chi tiêu trong các trường hợp khẩn cấp và đột xuất xảy ra trong cuộc sống như ốm đau, thất nghiệp,…
Cùng với bảo hiểm, quỹ dự phòng khẩn cấp giúp bạn đảm bảo sức khỏe tài chính của bạn luôn nằm trong phạm vi an toàn khi có các trường hợp không mong muốn xảy ra.
Tầm quan trọng của quỹ dự phòng tài chính cá nhân
Người thông minh và giàu có sẽ không bao giờ để bản thân rơi vào khủng hoảng tài chính.
Có một khoản dự phòng sẽ giúp bạn vượt qua những rủi ro không thể đoán trước trong cuộc sống và giúp bạn dễ dàng phục hồi sức khỏe tài chính, hình thành thói quen tiết kiệm, cân bằng cuộc sống và không rơi vào tình cảnh nợ nần.
Một vài trường hợp bạn cần đến quỹ dự phòng khẩn cấp:
- Mất việc hoặc thất nghiệp: Ngoài trợ cấp thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp) khoản tiền dự phòng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn trước khi tìm cho mình một công việc mới
- Bạn hoặc người thân bị ốm đau hay gặp tai nạn
- Xe cộ hay nhà cửa gặp hư hỏng nặng
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chuyện gì cũng có thể xảy ra, điều quan trọng nhất là giữ cho bản thân và gia đình mình được an toàn về mặt sức khỏe và tài chính. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ không quên được bài học từ đại dịch covid 19…
Công trường, xí nghiệp, trường học,… đóng cửa để chống dịch. Rất nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp hay thu nhập giảm sút đáng kể (đây sẽ là khoản thời gian mà quỹ dự phòng khẩn cấp phát huy tác dụng của nó). Những ai đã lập cho mình quỹ dự phòng này từ trước chắc chắn sẽ dễ dàng ứng phó với đại dịch hơn đặc biệt là về mặt tài chính
- Xem thêm: Các bài viết chuyên mục chứng khoán giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư chứng khoán
Cách lập quỹ dự phòng tài chính cá nhân
Các chuyên gia khuyên bạn nên giữ từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ dự phòng tài chính khẩn cấp của mình.
Ví dụ: Một tháng gia đình bạn cần khoảng 10 triệu cho các khoản ăn uống, thuê nhà, điện nước, đi lại,… Thì quỹ dự phòng khẩn cấp của bạn nên có sẵn từ 30 – 60 triệu.
Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh con số này lên hoặc xuống tùy vào điều kiện, trường hợp của bạn:
- Tiết kiệm ít hơn khi: Bạn tham gia nhiều gói bảo hiểm, bạn không cần thuê nhà, bạn chưa lập gia đình, bạn có nhiều nguồn thu nhập,…
- Tiết kiệm nhiều hơn khi: Bạn đang ở nhà thuê, ít tham gia bảo hiểm, bạn có con cái và người phụ thuộc, nguồn thu nhập của bạn hạn chế và không ổn định,…
Một số mẹo lập quỹ dự phòng khẩn cấp dành cho bạn
Nếu bạn lần đầu tiên và chưa có kinh nghiệm lập quỹ khẩn cấp, sau đây là một số mẹo mà TnD Blog muốn “mách” với bạn:
- Dùng dự toán chi tiêu cá nhân: Dự toán giúp bạn làm chủ dòng tiền và phân chia các khoản chi tiêu sao cho hợp lý (bao gồm cả khoản cho quỹ dự phòng khẩn cấp)
- Ưu tiên quỹ dự phòng: Khi nhận lương hãy góp đủ số tiền vào quỹ trước khi nghĩ tới các mục tiêu khác
- Cắt giảm các chi phí không cần thiết: Chia sẻ mạng internet với hàng xóm, chia sẻ gói xem TV, đăng ký tập gym theo ngày thay vì đăng ký trọn một tháng mà chỉ đi được vài hôm,…
- Để nó trong tài khoản tiết kiệm online: Ưu điểm là có thể rút tiền một cách nhanh chóng, rút trước kỳ hạn mà vẫn được hưởng lãi suất. Đặt quỹ khẩn cấp của bạn trong tiền gửi online sẽ tiện lợi hơn cách gửi tiết kiệm truyền thống (sổ tiết kiệm)
- Đọc thêm: kiến thức giúp bạn đầu tư vàng hiểu quả
Lời kết
Quỹ dự phòng tài chính cá nhân (quỹ dự phòng khẩn cấp) là tiền tiết kiệm mà bạn sử dụng khi những rủi ro bất ngờ xảy đến chẳng hạn như mất việc, ốm đau,…
Các chuyên gia khuyên bạn nên dành từ 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ này. Bạn cũng có thể điều chỉnh nó lên hoặc xuống tùy thuộc vào hoàn cảnh và lối sống của bạn.
Bạn nên cố gắng không sử dụng quỹ khẩn cấp của mình cho các khoản chi tiêu có thể đoán trước được. Ví dụ: mái nhà của bạn cần sửa chữa và bạn biết rằng mùa mưa sắp đến. Hãy đặt kế hoạch và lập quỹ cho việc sửa chữa mái nhà thay vì dùng tiền trong quỹ khẩn cấp.
Lưu ý: Ngày khuyến mãi trên Shopee, Lazada hay Tiki,… không có gì khẩn cấp cả, và đừng dùng quỹ khẩn cấp của bạn để “săn sale” nhé!
Bonus:
Quỹ tài chính cá nhân tiếng Anh là: Personal fund. Quỹ dự phòng khẩn cấp tiếng Anh là: Emergency fund
P/s: Cuối mỗi bài viết, TnD Blog sẽ chia sẻ thêm những từ ngữ chuyên ngành liên quan tới bài viết bằng tiếng Anh, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. (Hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên phần lớn phải học hỏi từ nước ngoài, mượn dùng rất nhiều thuật ngữ bằng tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu dịch sang tiếng Việt thì rất dễ lệch lạc ý nghĩa của nó)
Kháo sát của chúng tôi thấy rằng, tại Việt Nam vẫn còn rất ít người lập quỹ dự phòng. Điều đó dẫn đến nguy cơ suy kiệt sức khỏe tài chính hay thậm chí là nợ nần, dính vào “tín dụng đen” nếu những trường hợp đột xuất trong cuộc sống xảy ra với họ.
Và họ có thể sẽ phải làm việc rất lâu hoặc suốt cuộc đời để trả nợ. Một thật tế rất đáng buồn, hy vọng nếu bạn đọc được bài viết này thì hãy chia sẻ nó để giúp nhiều người hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân của họ.
Bạn có quỹ dự phòng cho bản thân và gia đình chưa? Kinh nghiệm lập quỹ của bạn như thế nào? Rất mong nhận được những chia sẻ từ bạn!