Từ trước đến nay, bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn và thu hút rất nhiều nhà đầu tư.
Tiềm năng sinh lời của kênh đầu tư này là không cần bàn cãi nữa, chắc chắn bạn đã từng nghe nhắc đến rất nhiều trường hợp giàu lên nhờ đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để đầu tư bất động sản và không phải ai đầu tư cũng sẽ giàu.
Trong bài viết này, TnD Blog sẽ chia sẻ đến bạn các rủi ro đầu tư bất động sản, qua đó giúp bạn có cái nhìn đa chiều và khách quan hơn về loại hình đầu tư này.
Cũng như bao loại tài sản đầu tư khác, bất động sản cũng có thể khiến bạn thua lỗ khi giá trị của nó đi xuống. Ngoài ra, nó còn có những nhược điểm…
Top 7 rủi ro đầu tư bất động sản
1. Dễ bị lừa đảo
Lừa đảo bất động sản là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất và gây ra thiệt hại nặng nề nhất cho nhà đầu tư. Các vụ lừa đảo thường xảy ra đối với loại hình bất động sản đất nền.
Các chiêu lừa đảo tương đối quen thuộc như bán các dự án ma (dự án không có thật), một lô đất được bán cho nhiều người, chia lô bán nền nhưng chỉ có một cuốn sổ hồng,…
Ví dụ điển hình nhất trong lừa đảo bất động sản có thể kể đến là vụ lừa đảo của Công ty địa ốc Alibaba, dự án ma của Công ty Angel Lina, và hàng loạt vụ án lừa đảo lớn nhỏ đã và đang diễn ra khắp cả nước.
2. Tính pháp lý
Đầu tư bất động sản không chỉ là mua rồi chờ cho nó lên giá và bán chốt lời. Tính pháp lý của nó cũng rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến việc bạn có thật sự sở hữu tài đó một cách hợp pháp và lâu dài hay không.
Tính pháp lý ở một số khu vực vẫn còn phức tạp và chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro khi đầu tư, hoặc thậm chí khi đã mua bán thành công nhưng lại tiếp tục vướng khó khăn pháp lý khác khi có nhu cầu xây dựng, sửa chữa hoặc thuộc diện bị giải tỏa, đất công,…
Nhà đầu tư bất động sản phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, thậm chí là tiền bạc và các mối quan hệ khác để làm rõ, tra cứu tính pháp lý trước khi quyết định “xuống tiền”.
3. Cần nhiều vốn
Không giống với các loại tài sản khác như cố phiếu, trái phiếu, vàng,… bạn chỉ cần vài triệu thậm chí là vài trăm nghìn là có thể đầu tư.
Bất động sản yêu cầu bạn phải có vốn đầu tư cao, từ trăm triệu đến tiền tỷ. Vì vậy các nhà đầu tư nhỏ lẻ ít vốn rất khó tiếp cận loại tài sản này.
Bạn có thể sử dụng đòn bẩy tài chính (vay tiền) để đầu tư. Tuy nhiên việc này có tính rủi ro khá cao có thể đưa bạn vào vòng xoáy nợ nần nếu đầu tư thua lỗ.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, bạn có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư bất động sản với số vốn ít hơn, tuy nhiên hình thức này chưa phổ biến tại Việt Nam và lợi nhuận của nó cũng không thật sự đáng kể nếu so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán.
4. Thanh khoản thấp
Thanh khoản thấp nghĩa là sẽ rất khó bán khi cần thiết. Trừ khi bất động sản bạn đang nắm giữ thuộc dạng “hot” trên thị trường.
Như đã nói ở trên, đặc trưng của bất động sản là yêu cầu vốn đầu tư cao cho nên “bên mua” không phải lúc nào cũng sẵn sàng.
Đầu tư bất động sản dễ khiến bạn bị “chôn vốn”, hoặc bạn phải chấp nhận bán với giá thấp (không lợi nhuận hoặc lỗ) khi bạn cần xoay tiền cho các nhu cầu khác.
- Có thể bạn thích: Đầu tư là gì? Vì sao bạn nên đầu tư ngay hôm nay?
5. Bong bóng bất động sản
Giá bất động sản rất dễ bị “thổi phồng” quá mức so với giá trị thực tế của nó. Nó tạo nên một cơn “sốt đất” ảo. Và khi “bong bóng vỡ vụn” thì những nhà đầu tư vào sau sẽ khó thoát ra kịp lúc dẫn đến thua lỗ trầm trọng.
- Xem thêm: Bong bóng bất động sản tỉnh Bình Phước
6. Chi phí và thuế
Từ lúc mua vào hay đến lúc bán ra bạn phải đóng khoản 2-5% thuế cho Nhà nước. Nếu bất động sản của bạn thuộc dạng kinh doanh như phòng trọ, văn phòng, cửa hàng cho thuê thì thuế có thể sẽ cao hơn.
Một số chi phí khác như phí sửa chữa, bảo dưỡng, hồ sơ, công chứng, phí hoa hồng cho môi giới,… cũng sẽ tiêu tốn của bạn khá nhiều tiền.
7. Chờ đợi lâu
Mua bất động sản là một khoản đầu tư dài hạn. Bạn có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ để cho nó tăng giá và sinh lời.
Đầu tư bất động sản có thể “chôn vốn” của bạn. Đối với những người vốn ít (phải vay mượn) thì bất động sản có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Bởi vì việc mua vào bán ra trong thời gian ngắn (do nhu cầu xoay vốn) có thể không mang lại lợi nhuận gì cho bạn thậm chí sẽ phải chịu lỗ do các khoản phí và thuế trong giao dịch.
Lời kết
Trên đây là 7 rủi ro đầu tư bất động sản mà TnD Blog muốn chia sẻ đến bạn.
Bài viết chỉ mang yếu tố tham khảo, chứ không phải là khuyến khích bạn không nên đầu tư bất động sản. Ngoài những nhược điểm trên, bất động sản có rất nhiều ưu điểm khác cũng như là kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời rất cao. Bất động sản thuộc 1 trong 5 loại tài sản bạn nên đầu tư nếu muốn trở nên giàu có mà chúng ta đã cùng bàn luận ở bài viết trước.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có góc nhìn khách quan, cũng như cân nhắc phòng ngừa những rủi ro trước khi đầu tư bất động sản.
Bạn đã đầu tư bất động sản chưa? Bạn suy nghĩ sao về những rủi ro khi đầu tư bất động sản? Hãy để lại góp ý và kinh nghiệm của bạn ở mục bình luận bên dưới bài viết này nhé!
Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt
Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!