Thẻ tín dụng là gì? Có thể bạn đã từng nghe về loại thẻ này ít nhất một vài lần…
Thẻ tín dụng đang là xu hướng thanh toán mới của nhiều người đặc biệt giới trẻ và nhân viên văn phòng.
Bạn có biết? Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 400 triệu thẻ tín dụng được phát hành ở Mỹ, nghĩa là một người sở hữu ít nhất 1 thẻ
Tuy nhiên, ở nước ta thì mức độ phủ sóng của thẻ tín dụng vẫn còn thấp, vẫn còn nhiều người chưa có cơ hội sử dụng, trải nghiệm và tận hưởng những lợi ích từ thẻ tín dụng.
Nguyên nhân đa phần là do mọi người vẫn chưa hiểu rõ về nó, có tâm lý e ngại về chi phí, lãi suất. Cũng có thể do họ chưa đủ điều kiện xét duyệt hạn mức tín dụng, hay một lý do nào khác ví dụ như không có hứng thú với thẻ tín dụng (mình có bao nhiêu thì sài bấy nhiêu),…
Theo quan niệm riêng của TnD Blog thì nếu bạn hiểu rõ về thẻ tín dụng, sử dụng nó một cách linh hoạt và hợp lý, thì thẻ tín dụng sẽ là một công cụ tài chính rất hữu ích trong cuộc sống của bạn.
Bài viết này sẽ mang lại cho bạn cái nhìn chi tiết nhất về thẻ tín dụng.
Bắt đầu nhé!
Thẻ tín dụng là gì?
Về ngoại quan, thẻ tín dụng cũng giống như các loại thẻ ATM khác, thẻ thường được phát hành bởi Ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng.
Đặc điểm của thẻ tín dụng là cho phép bạn mua sắm trước và thanh toán sau. Khi bạn sử dụng thẻ tín dụng nghĩa là bạn đang vay tiền từ tổ chức phát hành thẻ.
Thẻ tín dụng thường có hạn mức (số tiền bạn có thể tiêu tối đa trong một tháng) ví dụ như 30 triệu 50 triệu…
Hạn mức sẽ do tổ chứ phát hành thẻ xét duyệt và tùy thuộc vào thu nhập, khả năng tài chính và lịch sử tín dụng của bạn.
- Đọc thêm: Tín dụng là gì?
Các loại thẻ tín dụng
Mặc dù trên thị trường có khá nhiều loại thẻ tín dụng để bạn lựa chọn, nhưng chúng ta có thể tóm gọn chúng theo 3 dạng sau:
- Thẻ tín dụng theo phạm vi sử dụng: Bao gồm thẻ tín dụng quốc tế (thanh toán quốc tế và trong nước), và thẻ tín dụng nội địa (thanh toán trong nước)
- Thẻ tín dụng theo nhu cầu khách hàng: Thẻ tín dụng hoàn tiền, thẻ tín dụng tích điểm, thẻ tín dụng rút tiền mặt, thẻ tín dụng đặc quyền, thẻ tín dụng tích dặm (khi mua vé máy bay),…
- Thẻ tín dụng theo chủ thể sử dụng: Gồm thẻ tín dụng cá nhân và thẻ tín dụng doanh nghiệp
Nếu bạn gặp khó trong việc nên lựa chọn thẻ tín dụng nào? Thì bạn có thể liên hệ trực tiếp tổ chức phát hành thẻ mà bạn muốn đăng ký. Tin chắc sẽ luôn có loại thẻ phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của bạn.
- Tham khảo: Mở thẻ tín dụng 100% online tại VPBank
Các loại chi phí khi sử dụng thẻ tín dụng
Loại thẻ nào thật ra không quan trọng, quan trọng là chi phí và lãi suất khi sử dụng thẻ như thế nào. Bạn nên tìm hiểu và làm rõ các loại chi phí, lãi suất và những điều khoản khác trước khi đăng ký thẻ.
Không phải tất cả các thẻ tín dụng đều tính phí (và không phải tất cả các thẻ đều có phí giống nhau), một số loại phí phổ biến nhất gồm:
- Phí phát hành: Hay còn gọi là phí mở thẻ, phí này không đắt chỉ trả một lần duy nhất và cũng có một số Ngân hàng miễn khoản phí này
- Phí thường niên: Thu theo năm, phí này giao động từ 300,000 – 1,000,000 VNĐ một năm tùy vào hạn mức thẻ tín dụng
- Lãi suất: khi bạn không thanh toán hết dư nợ. Lãi suất sẽ từ 25% đến 40% mỗi năm. Mức này khá cao nếu so sánh với các hình thức vay tiền ‘chính quy’ khác
- Phí trả chậm: Từ 4 – 6%*số tiền chậm thanh toán
- Phí rút tiền mặt: 4-5%*số tiền giao dịch. Đây được xem là loại phí “chát” nhất
- Phí giao dịch nước ngoài: 2-4%*số tiền giao dịch, thường áp dụng cho các giao dịch khác VNĐ (thanh toán khi du lịch, công tác nước ngoài)
- Một số phí không thường xuyên khác như phí sao kê, phí vượt hạn mức, phí phát hành lại thẻ, cấp lại mã PIN,… (những chi phí này giao động khoảng 50,000 – 200,000 VNĐ một lần)
Các loại phí và lãi suất có thể khác nhau giữa các tổ chức phát hành thẻ và giữa các loại thẻ. Nếu bạn đang muốn đăng ký một thẻ tín dụng mới, bạn nên tham khảo tại nhiều nơi để tìm ra loại thẻ “ngon bổ rẻ” nhất cho mình.
- Có ích cho bạn: Trọn bộ kiến thức chứng khoán siêu dễ hiểu
Thẻ tín dụng dùng để làm gì?
Thẻ tín dụng không dùng để bạn chuyển khoản qua lại như thẻ ATM ghi nợ của bạn. Cũng rất ít ai dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại các trạm ATM (vì phí rút tiền mặt rất cao).
Mục đích sử dụng chính của thẻ tín dụng là để:
- Thanh toán những chi tiêu hằng ngày: Bạn có thể thánh toán khi mua sắm, ăn uống ở những nơi có máy quẹt thẻ (POS), thanh toán hóa đơn điện nước, mua hàng online tại các sàn thương mại điện tử trong nước và cả nước ngoài
- Mua trả góp: Bạn có thể dùng thẻ tín dụng để đăng ký mua hàng trả góp với lãi suất 0% mà không tốn nhiều thời gian và thủ tục vay mượn khi mua sắm tại cửa hàng đối tác của tổ chức phát hành thẻ. Hầu hết những cửa hàng lớn như Thế giới di động, Điện máy xanh, cửa hàng Viettel,… đều hỗ trợ trả góp bằng thẻ tín dụng
- Rút tiền mặt: Dù biết phí rút tiền là rất cao, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, thẻ tín dụng giúp bạn giải quyết vấn đề tiền mặt bằng cách rút tiền tại các trạm ATM như một chiếc thẻ thông thường
Ưu và nhược điểm của thẻ tín dụng
Ưu điểm:
- Thanh toán linh hoạt: Mua sắm online hay quẹt thẻ tại cửa hàng đều rất thuận tiện
- Chi tiêu trước trả tiền sau: Thông thường nếu bạn trả đúng hạn thì bạn không phải chịu lãi suất hay phí phạt nào cả
- Tận hưởng nhiều ưu đãi như giảm giá, hoàn tiền, ngồi phòng chờ dành riêng cho VIP tại sân bay,…
- Xây dựng điểm số và lịch sử tín dụng cá nhân
Nhược điểm:
- Nếu trả không đúng hạn thì bạn phải chịu một mức lãi suất tương đối cao, ngoài ra bạn còn có thể bị phạt một khoảng phí cho việc trả chậm
- Kích thích ham muốn chi tiêu, mua sắm
- Tính bảo mật không cao (thanh toán không cần mật khẩu): Nếu thẻ tín dụng của bạn có tính năng thanh toán 1 chạm hoặc thanh toán không tiếp xúc thì khi bị rơi vào tay kẻ xấu họ có thể dùng thẻ của bạn để mua sắm. Hơn nữa, nếu bạn để lộ thông tin trên thẻ, người khác hoàn toàn có thể sử dụng thẻ của bạn để thực hiện thanh toán online (nếu họ có luôn cả SĐT đăng ký mã OPTs của bạn). Trường hợp bạn không may làm mất thẻ, hoặc nghi ngờ thông tin trên thẻ bị lộ thì hãy liên hệ nhà phát hành để tiến hành khóa thẻ ngay (hiện nay, bạn cũng có thể chủ động khóa ngay trên APP Ngân hàng)
Một số lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
- Bảo mật thông tin: Để tránh gặp rắc rối và bị mất tiền, hãy bảo mật thẻ một cách cẩn thận bao gồm bảo mật thông tin trên môi trường internet
- Thanh toán dư nợ đúng hạn: Hãy đảm bảo rằng bạn có khả năng chi trả và không quên ngày thanh toán. Vì nếu chả chậm phí phạt và lãi suất sẽ rất cao
- Tránh mở nhiều thẻ: Như đã nói ở trên, thẻ tín dụng có thể sẽ kích thích ham muốn chi tiêu dẫn đến nợ nhiều. Nhiều thẻ sẽ gây khó trong việc quản lý. Ngoài ra, các chi phí như phí thường niên, phí duy trì,… cũng sẽ tiêu tốn của bạn một khoản tiền kha khá.
>> Dành cho bạn: Thẻ ATM gắn chip thanh toán không tiếp xúc là gì?
So sánh thẻ tín dụng vs thẻ ghi nợ
Thẻ ghi nợ có thể là loại thẻ ATM mà bạn đang sở hữu (nếu nó không phải là thẻ tín dụng).
Mặc dù cả 2 có kích thước và ngoại quan tương đối giống nhau, bạn có thẻ dùng chúng để quẹt thẻ, rút tiền. Nhưng giữa chúng có một số đặc điểm khác biệt quan trọng:
Thẻ tín dụng | Thẻ ghi nợ | |
Nguồn tiền | Bạn mượn tiền từ nhà phát hành sài trước và trả lại sau | Sài trực tiếp tiền trong tài khoản Ngân hàng của bạn |
Lãi suất | Phải trả lãi suất theo tháng nếu bạn không hoàn trả đúng hạn | Không lãi suất hoặc được hưởng một lãi suất nhỏ |
Ưu đãi | Nhiều ưu đãi như hoàn tiền, mã giảm giá | Hiếm khi hoặc không có |
Ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng | Có | Không |
Điều kiện đăng ký | Khó. Yêu cầu xét duyệt khi đăng ký | Dễ. Hầu hết mọi người đều có thể đăng ký |
Chuyển khoản | Không | Có |
Lời kết
Trên đây là tổng hợp những kiến thức và thông tin hữu ích về thẻ tín dụng mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn.
Hy vọng với bài viết này bạn sẽ hiểu thêm về thẻ tín dụng. Có thêm sự tự tin trong quá trình sử dụng, tận dụng ưu thế sài trước trả sau để tối ưu dòng tiền chi tiêu cho bản thân và gia đình.
Bonus: Thẻ tín dụng tiếng Anh là gì?
P/s: Cuối mỗi bài viết, TnD Blog sẽ chia sẻ thêm những từ ngữ chuyên ngành liên quan tới bài viết bằng tiếng Anh, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. (Hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên phần lớn phải học hỏi từ nước ngoài, mượn dùng rất nhiều thuật ngữ bằng tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu dịch sang tiếng Việt thì rất dễ lệch lạc ý nghĩa của nó)
Thẻ tín dụng tiếng Anh là: Credit card. Còn Thẻ ghi nợ tiếng Anh là: Debit card
Bạn nghĩ sao về thẻ tín dụng? Bạn xem nó là thứ khiến bạn tiêu tiền nhiều hơn hay bạn đang tận dụng nó như một công cụ tài chính để giải quyết các chi tiêu thường ngày và tận hưởng cuộc sống?
Hãy để lại suy nghĩ của bạn bằng một bình luận phía dưới bài viết này nhé!
Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt
Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!
Câu hỏi thường gặp về thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là gì?
Đặc điểm của thẻ tín dụng là cho phép bạn mua sắm trước và thanh toán sau. Khi bạn sử dụng thẻ tín dụng nghĩa là bạn đang vay tiền từ tổ chức phát hành thẻ.
Thẻ tín dụng nào tốt nhất hiện nay?
Một số Ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nhiều ưu đãi và khuyến mãi nhất hiện nay gồm: Techcombank, Sacombank, HDBank, TPBank, VPbank, và VIB,…
Lãi suất thẻ tín dụng phát sinh khi nào?
Đa số thẻ tín dụng sẽ được miễn lãi suất từ 30 đến 45 ngày. Lãi suất chỉ phát sinh khi bạn thanh toán không đúng kỳ hạn.
Thẻ VISA có phải thẻ tín dụng không?
Có thể là có hoặc không. VISA đơn vị thanh toán của Mỹ – nó tích hợp vào thẻ tín dụng của bạn với mục đích giúp cho thẻ tín dụng của bạn có khả năng thanh toán quốc tế. Vì vậy, VISA cũng có thể là thẻ ghi nợ.
Thẻ tín dụng có rút tiền được không?
Về bản chất, thẻ tín dụng vẫn có thể rút tiền tại các trụ ATMs. Tuy nhiên, rất ít ai sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền vì phí rút tiền là rất cao, khoảng 4 – 5% số tiền rút.
Làm thế nào để mở thẻ tín dụng?
Việc mở thẻ tín dụng hiện nay là rất đơn giản, chỉ cần bạn đủ điều kiện (ví dụ như có thu nhập ổn định, không mắc nợ xấu,…) thì bạn hoàn toàn có thể đăng ký thẻ tín dụng trực tiếp tại quầy giao dịch hoặc đăng ký online ngay trên các APP mobile Banking của Ngân hàng.
Thẻ tín dụng có chuyển khoản được không?
Theo quy định của các Ngân hàng, thẻ tín dụng chỉ có chức năng thanh toán chứ không có tính năng chuyển khoản.
Một người được mở bao nhiêu thẻ tín dụng?
Bạn có thể mở từ 1 đến 2 thẻ tín dụng tại một Ngân hàng. Thậm chí bạn mở thêm thẻ tại Ngân hàng khác. Tuy nhiên, bạn không nên mở quá nhiều thẻ để tránh mất khả năng kiểm soát và thanh toán.
Quẹt thẻ tín dụng có cần nhập mật khẩu không?
Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng tại các POS quẹt thẻ, bạn sẽ không cần nhập mật khẩu.