Danh mục thuật ngữ giúp bạn nhanh chóng hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và đầu tư.
Tại TnD Blog các bạn sẽ học được những thuật ngữ chuẩn xác nhất. Qua đó góp phần chuẩn hóa và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. Hiểu rõ hơn ý nghĩa và áp dụng chúng trong đời sống, quản lý tài chính, đầu tư cá nhân,… Từng bước trở thành một chuyên gia tài chính, một nhà đầu tư chuyên nghiệp và thành công.
Ở mỗi bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ và giải thích 5 thuật ngữ theo cách “bình dân” và dễ hiểu nhất. Hãy bắt đầu phần thứ 2 (Thuật Ngữ Tài Chính, Kinh Tế Và Đầu Tư #2) cùng chúng tôi nhé.
#1 GDP
GDP là viết tắt của cụm từ Gross Domestic Product. Dịch ra là Tổng sản phẩm quốc nội (tổng sản phẩm nội địa).
GDP là chỉ số đại diện cho tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia (vùng lãnh thổ) trong một thời gian nhất định (thường là một năm hay một quý).
Dựa vào chỉ số GDP, ta có thể đánh giá được tổng quan về tốc độ tăng trưởng và mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ trong vòng một năm (hoặc một quý). Nếu như chỉ số GDP của một quốc gia cao và có dấu hiệu đi lên, điều đó chỉ ra rằng nền kinh tế của đất nước đó đang phát triển tốt.
#2 FDI
FDI là viết tắt của cụm từ Foreign Direct Investment. Dịch ra là Đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như các nhà máy của Samsung, Toyota, Formosa,… đang là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Có 2 dạng hình thức FDI chủ yếu là: doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài và các đối tác trong nước.
Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á dẫn đầu về việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều chính sách miễn giảm thuế, vị trí địa lý đắc địa,…
FDI tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tiếp thu và học hỏi kỹ thuật, công nghệ, phương pháp quản lý mới,…Tuy nhiên, nó cũng mang lại những thách thức lớn về các vấn đề môi trường, tài nguyên, cũng như các yếu tố chính trị xã hội khác.
#3 Cán cân thương mại
Cán cân thương mại là danh sách ghi lại những thay đổi trong xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định (quý hoặc năm) cũng như mức chênh lệch giữa chúng (xuất khẩu trừ đi nhập khẩu).
Cán cân thương mại được coi là một chỉ số kinh tế quan trọng của một quốc gia trong lĩnh vực hoạt động thương mại quốc tế.
Ví dụ:
- Khi tổng giá trị xuất khẩu cao hơn tổng giá trị nhập khẩu (cán cân thương mại dương) cũng có nghĩa là quốc gia này thu được lợi nhuận từ thương mại quốc tế (bán hàng cho nước ngoài nhiều hơn mua)
- Khi tổng giá trị xuất khẩu thấp hơn nhập khẩu (cán cân thương mại âm) có nghĩa là quốc gia đang chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được trên thị trường quốc tế dẫn đến việc thiếu hụt ngân sách hay thậm chí là nợ công (nợ quốc gia)
#4 M&A
M&A là viết tắt của cụm từ Mergers and Acquisitions. Dịch ra là Sáp nhập và mua bán. Trong kinh tế, nó có nghĩa là sáp nhập và mua bán giữa các doanh nghiệp.
Mergers (sáp nhập) là sự liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng quy mô (vừa và nhỏ) để tạo ra một doanh nghiệp mới (quy mô lớn hơn). Ví dụ như thỏa thuận sáp nhập (năm 2019) công ty VinCommerce và VinEco của Tập đoàn Vingroup vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan– của Tập đoàn Masan. Đã tạo ra chuỗi hệ thống siêu thị bán lẻ “phủ sóng” khắp cả nước.
Acquisitions (Mua lại) là hình thức một doanh nghiệp lớn (công ty mẹ) sẽ mua lại những doanh nghiệp nhỏ hơn (công ty con). Ví dụ điển hình là Facebook mua lại WhatsApp vào năm 2014.
- Đọc thêm: Lãi suất là gì, lãi suất kép là gì
#5 IMF
IMF là viết tắt của cụm từ International Monetary Fund. Dịch ra là Quỹ Tiền tệ Quốc tế, được thành lập vào năm 1945 và có trụ sở tại Washington, Mỹ.
IMF là tổ chức quốc tế có vai trò giám sát hệ thống tài chính toàn cầu như: theo dõi tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán,… Ngoài ra, tổ chức này còn hỗ trợ các nước khác về tài chính (cho vay), hỗ trợ về kỹ thuật (công nghệ, hệ thống, phần mềm quản lý giám sát tài chính,…).
Ví dụ: Như đã nêu ở trên. Các nước có cán cân thương mại âm (dẫn đến nợ công) thường sẽ nhờ sự hỗ trợ tài chính của IMF (để vay tiền) với mục đích cân bằng nền kinh tế của họ.
Bạn vừa đi qua 5 thuật ngữ trong phần 2 chuỗi series chia sẻ các thuật ngữ kinh tế, tài chính và đầu tư của TnD Blog .com
Nếu bạn thích bài viết này, hãy giúp chúng tôi chia sẻ nó. Và cũng đừng quên đăng ký danh sách email để không bỏ lỡ các bài viết hữu ích và miễn phí của TnD Blog nhé!