Các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ripple, Tron, Ethereum, LiteCoin,… là chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thế giới. Tại Việt Nam, thị trường tiền điện tử cũng đang rất sôi động và phát triển.
Tháng 4 năm 2021 vốn hóa thị trường (tổng giá trị tất cả) tiền điện tử đã chạm mức 2,000 tỷ USD, một con số cực lớn và có vẻ rất khó cho bạn để chuyển đổi nó thành tiền Việt
Bài viết này chia sẻ cho bạn những kiến thức quan trọng về tiền điện tử. Một phát minh được những “người ủng hộ” xem như một sự đột phá, một cuộc cách mạng trong thế giới tài chính.
Chú ý: “Tiền điện tử” cũng có thể là tiền pháp định (hay tiền định danh) do chính phủ phát hành và được chúng ta sử dụng hằng ngày thông qua các thiết bị lưu trữ điện tử như thẻ ATM, ví điện tử (Momo, Zalopay,…), tài khoản Ngân hàng,… Trên thật tế, những loại “tiền điện tử” như vậy chính là tiền “thật” (được định giá) chứ không phải tiền ảo như Bitcoin hay các Altcoin khác
Tuy nhiên, hầu hết mọi người khi nhắc đến tiền điện tử, người ta sẽ nghĩ ngay đến tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa) như BTC, ETH, XRP, LTC,… Và trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cũng sẽ viết về loại tiền điện tử “ảo” này
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử là một loại tiền mới, chỉ tồn tại trong môi trường internet, được lưu trữ trong hệ thống máy tính, smartphone và các loại ví điện tử. Bạn không thể cầm nắm trao đổi trực tiếp mà phải giao dịch thông qua môi trường internet.
Tiền điện tử được trao đổi ngang hàng trực tuyến và không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ hoặc Ngân hàng nào. Bạn có thể gửi tiền điện tử đến mọi nơi trên thế giới và không bị giới hạn về lượng tiền giao dịch.
Tiền điện tử tiên phong và nổi bật nhất là Bitcoin. Ngoài Bitcoin thì còn hàng ngàn loại tiền điện tử khác như: Ethereum, Ripple, Litecoin, Dogecoin, Tron,… Tất cả các loại tiền điện tử này (trừ Bitcoin) được gọi là Altcoin.
Tóm tắt lịch sử phát triển của tiền điện tử
- 2008: Thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái, mọi người bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống tài chính truyền thống lúc bấy giờ. Một nhà phát triển (cá nhân hoặc tổ chức) với biệt danh Satoshi Nakamoto đã phát hành một bài báo cáo tên Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System. Trong bài viết này, Satoshi Nakamoto giải thích cách thức hoạt động của một loại tiền kỹ thuật số, mô tả cách hoạt động “ngang hàng” của Bitcoin, cách giao dịch và cách đồng tiền này được tạo ra
- 2009: Satoshi Nakamoto đào ra khối Bitcoin đầu tiên- nó giống như việc những tờ tiền đầu tiên của một loại tiền mới được in ra
- 2009-2011: Một số loại tiền điện tử khác ra đời như Litecoin, Namecoin,… Sau này được gọi chung là Altcoin
- 2011-2013: Một số doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán
- 2014-2016: Các Altcoin khác lần lượt ra mắt. Ngày càng nhiều dịch vụ liên quan đến tiền điện tử như sàn giao dịch, ví điện tử,…
- 2017: Thị trường tăng vọt, giá Bitcoin tăng hơn 1300%
- 2018- Đến nay: Thị trường tiền điện tử sôi nổi khắp thế giới. Tổng số coins có trên thị trường là hơn 3,000 coins. Ngày càng nhiều đơn vị chấp thuận thanh toán bằng những loại tiền mã hóa này. Song song với đó, tiền điện tử cũng gây ra rất nhiều tranh cãi… Giá Bitcoin có lúc giảm nhưng sau đó hồi phục nhanh chóng. Bitcoin lập đỉnh ở mức giá $64,000/BTC vào tháng 04 năm 2021
Dành cho bạn:
So sánh đặc điểm giữa tiền điện tử vs tiền truyền thống
Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm và sự khác biệt giữa tiền mã hóa và tiền truyền thống:
Tiền điện tử | Tiền truyền thống |
Phát hành bởi tư nhân, tổ chức sáng lập. Không được Nhà nước, pháp luật bảo hộ | Do Chính phủ, Ngân hàng Trung Ương phát hành. Được pháp luật công nhận và bảo hộ |
Phi tập trung — không một cá nhân, chính phủ hoặc công ty nào kiểm soát | Tập trung —tiền tệ truyền thống được phát hành và quản lý bởi các tổ chức Chính phủ |
Nguồn cung giới hạn — được tạo ra với số lượng có hạn giúp nó giữ giá trị theo thời gian | Nguồn cung không giới hạn — Chính phủ luôn có thể in thêm tiền, điều này có thể làm cho tiền tệ truyền thống mất giá trị do lạm phát |
Kỹ thuật số — chỉ tồn tại trên môi trường mạng và chỉ có thể giao dịch trực tuyến | Vật lý — tiền truyền thống có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số ví dụ như trong tài khoản Ngân hàng của bạn, nhưng cũng có thể tồn tại dưới dạng tiền vật lý ví dụ như tiền giấy, tiền xu |
Ẩn danh — các giao dịch không thể truy xuất được người thực hiện giao dịch, bạn có thể gửi và nhận mà không cần cung cấp thông tin cá nhân của mình | Không ẩn danh — các giao dịch tiền truyền thống có thể theo dõi được |
Mới — Bitcoin ra mắt vào năm 2009. Tính đến nay chỉ mới phát triển được hơn 10 năm | Lâu đời — tiền tệ chính thống đã tồn tại và phát triển lâu năm |
Tiền điện tử hoạt động như thế nào?
Tiền điện tử được xây dựng dựa trên những thuật toán phức tạp, trong đó cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người gửi và người nhận mà không cần có sự kiểm soát của Chính phủ, Ngân hàng hay các tổ chức tài chính mà vẫn đảm bảo tính an toàn và chính xác của giao dịch.
Tiền điện tử được duy trì bởi các mạng máy tính phân tán trên toàn cầu. Các dữ liệu giao dịch nhận và gửi được ghi lại bằng chuỗi blockchain (một cuốn sổ cái).
Mua tiền điện tử như thế nào?
Hiện tại, có 2 cách chính để nhà đầu tư sở hữu tiền điện tử:
- Mua tại các sàn giao dịch tiền điện tử bằng tài khoản Ngân hàng
- Khai thác (đào) bằng cách giải các thuật toán và nhận phần thưởng là các đơn vị tiền điện tử
Lưu ý: Bạn cần phải có ví điện tử để lưu trữ chúng. Khi bạn sở hữu một loại tiền điện tử, bạn có thể trao đổi nó thành một loại tiền điện tử khác. Ví dụ trao đổi BTC sang ETH, BTC sang LTC,…
Các loại tiền điện tử phổ biến
Bitcoin là loại tiền điện tử đầu tiên và cũng là loại tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay. Bên cạnh đó thị trường còn có rất nhiều loại tiền khác (Altcoin). Dưới đây là 10 loại phổ biến nhất:
- Bitcoin (BTC)
- Ethereum (ETH)
- Binance Coin (BNB)
- Tether (USDT)
- XRP (XRP)
- Cardano (ADA)
- Dogecoin (DOGE)
- Polkadot (DOT)
- Uniswap (UNI)
- Litecoin (LTC)
Lưu ý: Thứ tự và mức độ phổ biến của các loại tiền trên có thể thay đổi theo thời gian
Một số nhược điểm của tiền điện tử
Tiền điện tử là một phát minh lớn nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi trong thế giới tài chính.
Một số nhà đầu tư đã trở thành triệu phú chỉ sau một đêm khi các đồng tiền tăng giá. Nhưng với lợi nhuận lớn thì luôn đi kèm với khả năng thua lỗ lớn. Những rủi ro khi đầu tư vào tiền điện tử bao gồm:
- Hack: Tiền trong ví của bạn có thể bị hacker tấn công và lấy trộm tiền của bạn
- Không được bảo hộ: Nếu tiền của bạn biến mất hoặc giá trị giảm về 0 bạn sẽ không làm được gì ngoài việc chấp nhận nó
- Lừa đảo: Những kẻ gian lận có thể quảng cáo và thuyết phục bạn đầu tư vào một dự án tiền ảo nào đó rồi sau đó biến mất
- Biến động mạnh: Không giống như thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử có thể dao động từ $0 lên vài nghìn $ chỉ trong vài giờ hoặc rơi tự do từ vài nghìn về $0
Có nên đầu tư tiền điện tử không?
Với những ưu điểm và nhược điểm trên thật khó để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “có nên đầu tư tiền điện tử không?”
Đây là loại tài sản giúp bạn nhanh giàu và cũng nhanh “mất trắng”.
Nhưng theo quan điểm của chúng tôi: Nếu bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào loại tài sản này, muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, muốn có cơ hội kiếm thêm nhiều tiền, mong muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư, yêu thích công nghệ,… Thì loại tài sản này là phù hợp với bạn. Bạn có thể cân nhắc chuyển 5-10% danh mục của bạn vào thị trường này…
Lời kết
Tiền điện tử (tiền ảo) là tiền kỹ thuật số được mã hóa và chạy trong môi trường internet trên toàn thế giới.
Không giống như tiền tệ truyền thống, tiền điện tử chỉ tồn tại trực tuyến và không bị kiểm soát bởi Chính phủ hoặc Ngân hàng.
Ưu điểm của tiền điện tử là ẩn danh và không bị kiểm soát.
Nhược điểm của loại tiền này là có tính đầu cơ cao và có thể trở nên vô giá trị.
Bạn có thể sở hữu tiền điện tử bằng cách mua nó tại các sàn giao dịch hoặc bằng cách đào nó. Để lưu trữ tiền điện tử bạn cần có ví điện tử.
Bonus: Tiền điện tử tiếng Anh là gì?
P/s: Cuối mỗi bài viết, TnD Blog sẽ chia sẻ thêm những từ ngữ chuyên ngành liên quan tới bài viết bằng tiếng Anh, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. (Hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên phần lớn phải học hỏi từ nước ngoài, mượn dùng rất nhiều thuật ngữ bằng tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu dịch sang tiếng Việt thì rất dễ lệch lạc ý nghĩa của nó)
Tiền điện tử tiếng Anh là: Cryptocurrency. Tiền truyền thống tiếng Anh là: Fiat money/ Fiat currency
Đăng ký danh sách Email để giữ liên lạc với TnD Blog và không bỏ lỡ bất cứ bài viết nào liên quan đến chủ đề tài chính và đầu tư.
Đăng Ký Email Của Bạn Để Nhận Tin Tức Và Những Ưu Đãi Đặc Biệt
Cám ơn bạn! Bạn đã đăng ký thành công!
Bạn có đang đầu tư tiền điện tử? Bạn là phe ủng hộ hay vẫn còn hoài nghi về loại tiền này? Hãy để lại một bình luận ngay bên dưới bài viết này để chia sẻ suy nghĩ của bạn về loại tiền tệ mới này nhé!
Tiền điện tử có phải là một khoản đầu tư tốt không?
Có một số rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào tiền điện tử ví dụ như mất vốn, quy định của chính phủ, lừa đảo và hack. Việc này cảnh báo rằng các nhà đầu tư phải bước đi cẩn thận trong môi trường tài chính độc đáo của tiền điện tử nếu không sẽ gặp rủi ro thua lỗ đáng kể.
Làm thế nào để bạn mua tiền điện tử?
Bạn có thể mua tiền điện tử từ các sàn giao dịch tiền điện tử phổ biến như Coinbase, eToro, Binance,…
Tiền điện tử phổ biến nhất là gì?
Bitcoin là loại tiền điện tử phổ biến nhất, tiếp theo là các loại tiền điện tử khác như Ethereum, Binance Coin, Solana và Cardano.
Tiền điện tử có được công nhận ở Việt Nam không?
Tại Việt Nam, hiện chưa có loại tiền ảo nào được công nhận là tiền tệ hoặc được chấp nhận như một hình thức thanh toán.