Bạn đang tìm hiểu tín dụng là gì? Khi bước vào thế giới tài chính, dám chắc rằng bạn sẽ nghe rất nhiều về cụm từ “tín dụng”, nào là vay tín dụng, nào là thẻ tín dụng, tổ chức tín dụng, báo cáo tín dụng, lịch sử tín dụng, hạn mức tín dụng,…
Trong bài viết này, TnD Blog sẽ trang bị cho bạn đầy đủ kiến thức về tín dụng – một giải pháp tài chính vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp.
Lưu ý: Bài viết này chia sẻ kiến thức chung về tín dụng chứ không phải viết về thẻ tín dụng nhé. “Tín dụng cho phép bạn vay tiền theo hạn mức tín dụng, trong khi thẻ tín dụng cho phép bạn mua hàng sau đó hoàn trả lại tiền”
Xem thêm bài viết về thẻ tín dụng tại đây để tránh hiểu sai giữa tín dụng và thẻ tín dụng
1. Tín dụng là gì?
Định nghĩa theo kiểu tài chính học: Tín dụng là sự thể hiện cho mối quan hệ vay và cho vay. Trong đó, bên cho vay là các Ngân hàng, các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, còn bên vay sẽ là các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Sản phẩm vay thường là tiền mặt hoặc các loại hàng hóa. Giữa 2 bên sẽ ký kết thỏa thuận về thời gian và lãi suất.
Hay nói một cách dân gian và đơn giản hơn: Tín dụng là sự vay mượn. Tín dụng đại diện cho mức độ tín nhiệm và tin cậy của bên cho vay, đồng thời thể hiện mức độ uy tín tài chính của người đi vay.
Tín dụng là sự tin tưởng, cho phép mọi người đưa những thứ (như hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền bạc) cho người khác mượn để kiếm lợi nhuận thông qua lãi suất.
2. Phân loại tín dụng
Phân loại theo người vay:
- Tín dụng cá nhân: Dùng cho các mục đích cá nhân như mua nhà, mua ô tô, mua điện thoại, đầu tư kinh doanh nhỏ lẻ, và các khoản chi tiêu khác,…
- Tín dụng Doanh nghiệp: Phục vụ cho mục đích kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp ví dụ như mua sắm thiết bị máy móc, trả lương cho nhân viên, trả tiền cho nhà cung ứng,…
Phân loại theo thời hạn tín dụng:
- Tín dụng ngắn hạn: Dưới 12 tháng, thường dùng cho nhu cầu mua sắm, chi phí sinh hoạt
- Tín dụng trung hạn: Từ 12 đến 60 tháng, thường dùng cho việc mua các tài sản có giá trị lớn ví vụ như mua nhà, mua xe hơi
- Tín dụng dài hạn: Từ 60 tháng trở lên, thường được dùng bởi các doanh nghiệp trong việc đầu tư và kinh doanh
Phân loại theo mục đích sử dụng:
- Tín dụng tiêu dùng: Dành cho các cá nhân nhằm giải quyết nhu cầu tiêu dùng của họ
- Tín dụng sản xuất – lưu thông hàng hóa: Dành cho doanh nghiệp trong việc thực hiện kinh doanh và sản xuất hàng hóa
- Xem thêm: Thẻ ATM là gì?
Phân loại theo chủ thể tín dụng (bên cho vay):
- Tín dụng Ngân hàng: Chính là cụm từ bạn nghe thường xuyên “vay Ngân hàng”
- Tín dụng Nhà nước: Nhà nước có thể đi vay hoặc cho vay
- Tín dụng thương mại: Các doanh nghiệp vay lẫn nhau, các hoạt động mua/bán mà chỉ trả trước 30 – 40% giá trị hàng hóa, giấy ghi nợ,…
Phân loại theo lãnh thổ hoạt động:
- Tín dụng nội địa: Hay còn gọi là tín dụng trong nước, các hoạt động vay mượn phát sinh trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia
- Tín dụng quốc tế: Là hoạt động vay mượn giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa một quốc gia này với một tổ chức tài chính của quốc gia khác khác
P/s: Vì phạm vi của TnD Blog chỉ tập trung vào tài chính và đầu tư cá nhân nên vẫn còn một số loại hình tín dụng chuyên dành cho doanh nghiệp không được đề cập đến trong bài viết này, nhằm tránh gây rối cho người đọc (như bạn)
3. Các sản phẩm tín dụng phổ biến
Vay tín chấp: Hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của và năng lực trả nợ của người vay. Hình thức vay tín chấp thường có lại suất cao và hạn mức cho vay thấp.
Vay thế chấp: Hình thức cho vay yêu cầu thế chấp tài sản (gọi là tài sản đảm bảo). Sản phẩm vay thế chấp phổ biến hiện nay là vay mua nhà, vay mua xe,… Ví dụ bạn vay thế chấp mua xe ô tô và thế chấp bằng chính chiếc ô tô bạn mua. Nếu bạn vay thế chấp Ngân hàng để mua ô tô, giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) sẽ được giữ bởi Ngân hàng, bạn chỉ được sở hữu bảo sao hợp pháp cho đến khi bạn trả hết nợ mới được nhận lại bản chính.
Vay thấu chi: Khi bạn vay thấu chi, Ngân hàng sẽ cho phép bạn chi tiêu vượt quá số tiền thực tế có trong tài khoản của bạn. Tùy vào độ uy tín của bạn, Ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức tối đa mà bạn có thể chi vượt mức. Ngân hàng sẽ tính lãi suất vay trên số tiền bạn chi tiêu vượt mức đó.
Vay trả góp: Hình thức vay tiền mà số tiền gốc và lãi sẽ được chia thành các phần nhỏ và trả dần trong thời gian vay. Ví dụ điển hình nhất của hình thức vay trả góp là khi bạn mua các sản phẩm trả góp như điện thoại, điện máy gia dụng,…
4. Tầm quan trọng của tín dụng đối với cá nhân
Tín dụng được xem như là giải pháp tài chính quan trọng, nhờ có tín dụng chúng ta có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề tài chính cũng như các vấn đề trong cuộc sống. Một số lợi ích của tín dụng bao gồm:
- Giải quyết nhu cầu mua sắm những tài sản giá trị lớn khi chưa có đủ tiền
- Dùng trong các trường hợp khẩn cấp khi bạn không “xoay tiền” kịp thời
- Dùng làm đòn bẩy tài chính (trong đầu tư)
- Xây dựng lịch sử tín dụng và uy tín tài chính cho bản thân
5. Lịch sử tín dụng
Lịch sử tín dụng là hồ sơ mô tả lịch sử trả nợ tín dụng của bạn bao gồm cả việc bạn có thanh toán các hóa đơn (điện, nước, internet) đúng hạn hay không.
Lịch sử tín dụng của bạn sẽ được theo dõi tại Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam – CIC. Tất cả lịch sử tín dụng bao gồm cả nợ xấu của bạn sẽ được báo cáo đến CIC.
Lịch sử tín dụng rất quan trọng bởi nó là yếu tố giúp người cho vay đưa ra quyết định có cho bạn vay tiền hay không, lãi suất cho vay đối với bạn là bao nhiêu (lịch sử tín dụng càng tốt lãi suất vay càng thấp).
Ở một số nước, lịch sử tính dụng thậm chí còn ảnh hưởng đến việc thuê nhà (chủ nhà cũng rất e ngại những người có lịch sử tín dụng xấu), hay thậm chí là cơ hội việc làm (ông chủ có thể sẽ không thuê bạn nếu bạn có lịch sử tín dụng không tốt).
Thanh toán hóa đơn đúng hạn, hoàn trả tiền và lãi suất như đã “hứa” sẽ giúp bạn tạo dựng mộ hồ sơ lịch sử tín dụng tốt.
- Có ích cho bạn: kiến thức cơ bạn về cổ phiếu cho người mới
Lời kết
Tín dụng là hoạt động cho vay và hoản trả giữa bên vay và bên cho vay.
Tín dụng là một giải pháp tài chính “vô cùng lợi hại” nó giúp các cá nhân mua được thứ họ cần, giúp cho các doanh nghiệp có thêm vốn để kinh doanh, giúp cho bên cho vay kiếm lợi nhuận từ lãi suất và sau cùng là thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế.
Lịch sử tín dụng của mỗi cá nhân là rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất nhiều đối với cuộc sống, uy tín và sức mạnh tài chính của bạn. Vì vậy, hãy xây dựng một lịch sử tín dụng tốt ngay từ đầu.
Bonus:
Tín dụng tiếng Anh là: Credit. Lịch sử tín dụng tiếng Anh là: Credit history
P/s: Cuối mỗi bài viết, TnD Blog sẽ chia sẻ thêm những từ ngữ chuyên ngành liên quan tới bài viết bằng tiếng Anh, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn và quốc tế hóa kiến thức tài chính của bạn. (Hiện nay, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên phần lớn phải học hỏi từ nước ngoài, mượn dùng rất nhiều thuật ngữ bằng tiếng Anh. Một số thuật ngữ nếu dịch sang tiếng Việt thì rất dễ lệch lạc ý nghĩa của nó)
Các số liệu thống kê cho thấy gần 50% người Mỹ đang sử dụng tín dụng như một công cụ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của họ cũng như mua sắm thứ họ muốn.
Bạn có đang sử dụng tín dụng? Lịch sử tín dụng và trải nghiệm của bạn về nó như thế nào? Hãy để lại một bình luận bên dưới bài viết để chia sẻ kinh nghiệm của bạn với chúng tôi và các đọc giả khác nhé!
Câu hỏi thường gặp:
Làm thế nào để xây dựng tín dụng tốt?
Để xây dựng tín dụng tốt, cần thanh toán hóa đơn đúng hạn, tránh nợ xấu, sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm, luôn nhớ là phải trợ nợ đúng hạn.
Tín dụng có ảnh hưởng như thế nào đến việc vay mua nhà?
Nếu có tín dụng tốt, bạn có thể nhận được khoản vay lớn hơn, với lãi suất thấp khi mua nhà.
Có nên vay tín dụng online?
Vay tín dụng online tiềm ẩn nhiều rủi ro, bạn cần cẩn trọng trước khi quyết định vay. Một số rủi ro có thể kể đến như: Lừa đảo, tín dụng đen, mất thông tin cá nhân,…
Nên chọn vay tín dụng ở đâu?
Bạn nên lựa chọn Ngân hàng đáng tin cậy và có nhiều năm hoạt động trên thị trường tài chính, lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản, nhân viên hỗ trợ nhiệt tình và kèm theo một số ưu đãi khác.